Bài trước: KẾ HOẠCH GIÚP HOÀN THÀNH MỤC TIÊU
LÊN KẾ HOẠCH CHO PHẦN CÒN LẠI CỦA CUỘC ĐỜI
Hiển nhiên thời gian cuộc đời một người sẽ dài hơn quãng thời gian người đó làm việc ở công ty. Vậy quãng đời còn lại sau khi nghỉ hưu chúng ta sẽ làm gì?
Chúng ta không thể hy vọng rằng đến năm 60 tuổi chúng ta vẫn được làm việc ở công ty. Lúc đó hầu hết chúng ta đã già, thiếu minh mẫn và tụt hậu so với đồng nghiệp.
Tất nhiên, với những nhân vật kiệt xuất thì chưa hẳn đã như vậy. Monet(10) vẫn làm việc 12 tiếng một ngày khi mắt đã mờ. Ông vẫn tạo nên nhiều kiệt tác khi ở tuổi 80. Picasso(11) đã tạo ra một phong cách độc đáo ở tuổi 70. Ông vẫn sáng tác cho đến tận lúc hơn 90 tuổi trước khi qua đời. Nhưng đó là số ít.
Trong giới lãnh đạo doanh nghiệp lại thường xuất hiện khủng hoảng tuổi trung niên. Nguyên nhân phần lớn là do sự nhàm chán. Nhiều lãnh đạo khi đến tuổi 45 đều đã ở đỉnh cao sự nghiệp. Họ có thừa kinh nghiệm và sự cọ xát trong công việc, nhưng lại không thể làm việc đó đến già. Ai đến tuổi cũng phải nghỉ hưu. Vì vậy, những người vẫn thích theo đuổi sự nghiệp lãnh đạo sẽ thường mở ra hướng phát triển một sự nghiệp mới.
Đối với những người làm công việc lao động chân tay, họ không cần phải lo lắng cho phần đời còn lại của mình mà chỉ cần tiếp tục làm việc. Sau 40 năm làm việc vất vả ở một nhà máy hay công trường, khi đến tuổi nghỉ ngơi mà họ vẫn chưa “mỏi gối chùn chân” thì họ hoàn toàn có thể có một cuộc sống tự do tự tại trong quãng đời tiếp theo. Nhưng, ngày nay người lao động thuộc giới trí thức lại chiếm đa số. Sau 40 năm làm việc, họ không “mỏi gối chùn chân” nhưng lại cảm thấy chán ghét công việc thiếu tính thử thách và lặp đi lặp lại. Bởi vậy, họ cần phải có sự chuẩn bị tốt cho tương lai.
Ở đây giới thiệu ba phương pháp giúp bạn sống tốt trong quãng đời tiếp theo.
Phương pháp đầu tiên là tìm kiếm công việc mới. Đây là cách làm đơn giản nhất. Chẳng hạn, bạn đang là kế toán trưởng trong một công ty lớn, giờ bạn có thể đảm nhiệm chức kế toán trưởng tại một bệnh viện tầm trung.
Phương pháp thứ hai là phát triển song song một công việc tương tự. Có rất nhiều người thành công trong sự nghiệp, khi rời cương vị tiếp tục ở lại ngành nghề đó làm chức cố vấn, đồng thời còn kiêm nhiệm một công việc tương tự. Thông thường, mỗi tuần họ lại bỏ ra một số thời gian nhất định để làm một công việc khác, thường là công việc trong một tổ
chức phi lợi nhuận.
Phương pháp thứ ba là tạo ra sự nghiệp mới. Những người này rất thành công trong sự nghiệp, họ cũng rất yêu quý công việc hiện nay của mình. Nhưng công việc đã không còn mang tính thử thách, vì vậy tuy họ vẫn tiếp tục làm việc nhưng họ dành thời gian ngày càng ít đi. Họ tạo ra sự nghiệp mới đa phần là không mang tính chất kinh doanh. Như việc một
giám đốc đã làm việc được hơn 20 năm giờ bỏ sự nghiệp để đi học ngành luật và trở thành luật sư của một thị trấn nhỏ.
Có lẽ những người biết nắm bắt quãng đời phía sau của mình như vậy vẫn còn là số ít. Phần lớn chúng ta lựa chọn con đường nghỉ hưu để hưởng một cuộc sống an nhàn. Nhưng con số ít ỏi đó lại chính là những người biết cách biến kế sinh nhai của mình trở thành cơ hội để thay đổi cuộc đời mình và cả xã hội. Họ sẽ là gương điển hình cho “câu chuyện thành
công”.
Muốn quản lý tốt quãng đời phía sau, chúng ta cần phải biết đến một điều kiện tiên quyết. Đó là phải chuẩn bị từ rất sớm. Bạn phải làm rất nhiều việc trước khi chính thức bắt đầu. Có rất nhiều nhà sáng lập đã bắt tay vào chuẩn bị cho sự nghiệp thứ hai ngay cả khi họ chưa ở đỉnh cao sự nghiệp thứ nhất. Còn có một lý do khác mà bạn phải bắt đầu từ rất sớm
là, cuộc đời không phải lúc nào cũng được như ý muốn, chúng ta sẽ gặp phải nhiều gian truân trắc trở trên đường đời.
Một xã hội tri thức là một xã hội đề cao thành công và cao thượng. Tuy nhiên, nếu ai cũng muốn thành công thì lại là điều không tưởng. Đối với đại đa số chúng ta, việc tránh được thất bại trong cuộc đời đã là điều không dễ. Có người thành công thì đương nhiên phải có kẻ thất bại. Chính vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải tự tìm cho mình một con đường phát triển để được cống hiến, để phát huy năng lực của mình. Chỉ như thế chúng ta mới cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa, mới thấy bản thân có giá trị. Hay nói một cách khác, bất kể là tìm kiếm công việc thứ hai, làm hai việc cùng một lúc hay tạo ra một sự nghiệp mới, chúng ta cũng sẽ đều có cơ hội trở thành nhà lãnh đạo được mọi người tôn trọng và trở thành người thành công.
Bài tiếp theo: CÓ MỤC TIÊU ĐÚNG PHẢI HÀNH ĐỘNG NGAY