Bài trước: DÁM LÀM THỬ, DÁM MẠO HIỂM


KHÔNG MẠO HIỂM THÌ KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG

Trong các ngành nghề hiện nay, có lẽ ngành phải hứng chịu rủi ro lớn nhất là thương mại quốc tế vì hàng ngày luôn phải đối mặt với vấn đề được hay mất. Nhưng đó cũng là ngành nghề dành cho những người ưa mạo hiểm để thành công. Kurt Owen là người dám mạo hiểm. Ông lựa chọn xuất nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm từ sắt thép làm mục tiêu
phấn đấu của mình.

Kurt sinh ra tại Mỹ, nhưng từ nhỏ ông theo cha mẹ đến sinh sống tại Đức. Khi học đại học ở Đức, ông theo học chuyên ngành về nghiên cứu sắt thép. Năm 26 tuổi, sau khi về New York, ông đã bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh sắt thép.

Nghĩ lại quãng thời gian khởi nghiệp, Kurt nói: “Việc kinh doanh trong lĩnh vực sắt thép cần một khoảng thời gian khá dài. Từ trước đến nay ngành này luôn nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, một người ngoài như tôi khó mà có được thị trường. Nhưng tôi không thay đổi ý định ban đầu của mình, vì tôi tin rằng vẫn còn có cách để thành công và thực tế tôi đã thành công.”

Câu nói “Tôi tin rằng vẫn còn có cách để thành công” đã mang lại dũng khí và nghị lực cho Kurt. Ông đã thành lập công ty với lòng kiên định đó.

Nhưng bước đầu thành công không có nghĩa là con đường phía sau hoàn toàn bằng phẳng. Sau khi công ty được thành lập, khi mọi việc sắp đi vào đúng quỹ đạo thì chiến tranh nổ ra. Kurt phải nhập ngũ. Sự nghiệp của ông đành phải gác lại. Nhưng ngay sau khi chiến tranh kết thúc, ông lập tức bắt tay lại từ đầu, ông lại vật lộn trên thương trường. Lần này, Kurt mở rộng quy mô kinh doanh với rất nhiều sản phẩm từ sắt thép. Ông đã dành không dưới nửa năm để bôn ba, tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường, thậm chí vượt ngàn dặm xa xôi để đến các quốc gia khác thương thảo với khách hàng. Nhiều năm nay, cuộc sống của ông gắn liền với sáu ngày làm việc một tuần, một ngày làm việc 12 tiếng đồng hồ. Sự vất vả đó vượt xa những người khác, thế nhưng ông vẫn luôn đầy lòng quyết tâm.

Hiện tại, công ty của Kurt có quy mô kinh doanh khoảng 10 triệu đôla một năm, với lợi nhuận khoảng trên 1 triệu đôla, trung bình mỗi năm ông kiếm được hơn 400 nghìn đôla.
Có thể nói, công ty của Kurt kinh doanh rất thành công. Nếu ông không có tinh thần mạo hiểm ban đầu thì không có được thành quả ngày hôm nay. Nhưng nếu chỉ có tinh thần mạo hiểm thôi là chưa đủ. Để tiếp tục phát triển sự nghiệp, ông phải tìm hiểu phương thức kinh doanh của các đối thủ, luôn chú ý đến tình hình thị trường, dự đoán sự thay đổi của giá cả, đồng thời chuẩn bị sẵn nguồn vốn để có thể sử dụng bất cứ lúc nào.

Kinh doanh giống như đánh bạc, tính rủi ro rất cao. Cơ hội thành công và thất bại là ngang nhau, đặc biệt là thị trường quốc tế luôn tiềm ẩn nguy cơ. Nếu thành công, chúng ta sẽ được rất nhiều, ngược lại, chúng ta sẽ không một xu dính túi.

Kurt luôn sẵn sàng chấp nhận thử thách, nên ông đã nắm bắt được mọi cơ hội và vận may để tiến bước mà không hề sợ hãi.

Để có lợi nhuận, trước tiên chúng ta phải đầu tư. Muốn có cơ hội, chúng ta phải hy sinh thời gian, thu nhập, cuộc sống ổn định, sự hưởng thụ… Chúng ta phải luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội bất cứ khi nào nó xuất hiện. Sau khi nắm bắt được cơ hội, nguy cơ vẫn luôn tiềm ẩn, vì thế chúng ta phải luôn cẩn thận, phải luôn sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra và giành chiến thắng. Nếu rút ra những bài học kinh nghiệm để làm chủ bản thân, chúng ta có thể tránh được một số trở ngại. Khi đã quen với những trở ngại, khó khăn, dần dần chúng ta sẽ biết cách nắm bắt cơ hội để phán đoán chính xác hướng đi của mình. Những người sợ thất bại hoặc không dám làm lại sau thất bại sẽ không thể nhìn thấy cơ hội ẩn chứa đằng sau thất bại đó.

Những người không dám mạo hiểm là những người không thể có được thành công. Đó là chân lý bất diệt. Nếu cơ hội thành công và thất bại là ngang nhau, vậy chúng ta hoàn toàn có thể thử lại lần nữa sau khi thất bại.


Bài tiếp theo: ĐỐI PHÓ VỚI NGUY CƠ TỤT HẬU