Bài trước: ĐỀ RA KẾ HOẠCH THÀNH CÔNG
KẾ HOẠCH GIÚP HOÀN THÀNH MỤC TIÊU
Trong một xã hội phồn vinh và cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, các công ty đều không ngừng lớn mạnh, không ngừng mở rộng thị trường. Muốn hoàn thành mục tiêu, họ luôn phải có kế hoạch chu toàn. Bất kỳ ai cũng phải hoàn thành chỉ tiêu trong mục tiêu chung, kể cả những người lãnh đạo.
1. Phác thảo kế hoạch
Để đạt được mục tiêu có rất nhiều cách làm khác nhau. Sau khi có chỉ tiêu, việc đầu tiên mà lãnh đạo công ty phải làm là phác thảo kế hoạch.
Là một lãnh đạo doanh nghiệp, bạn phải đưa ra một kế hoạch có tầm nhìn. Ví dụ mục tiêu của một công ty là tuyển thêm 40 nhân viên trong năm tài chính mới. Đầu tiên, lãnh đạo công ty phải biết rõ số lượng cần tuyển cho từng ngành; trình độ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác, đồng thời phải hiểu rõ hiệu quả tương ứng khi tuyển thêm người
để giúp cho sự phát triển của công ty trong tương lai. Trên thực tế, việc tuyển dụng những người ở vị trí quan trọng cần phải do những nhà lãnh đạo cấp cao trong công ty đảm nhận.
Nếu không, những người được tuyển sẽ chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu trước mắt, còn về lâu dài đến khi công việc nhiều hơn, họ khó có thể đáp ứng được. Lúc đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cả công ty.
2. Xem xét yếu tố môi trường
Khi những người quản lý dự kiến được hiệu quả của kế hoạch, bước tiếp theo là họ phải quan tâm tới việc đánh giá môi trường bên trong và bên ngoài, thậm chí là môi trường trong tương lai. Yếu tố môi trường luôn có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công. Lấy ví dụ từ ngành giầy da. Một vài năm trước ngành này rất phát triển, rất nhiều người tham gia
kinh doanh. Rất nhiều người nuôi cáo, chồn, để lấy nguyên liệu phục vụ đóng giầy. Nhưng sau đó, khi cung vượt quá cầu, giá da ngày càng xuống thấp. Có thể thấy rằng, để đạt được mục tiêu dự kiến một cách thuận lợi, ngoài việc tìm hiểu yếu tố nội tại, chúng ta còn cần xem xét đến môi trường bên ngoài. Đó chính là “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
3. Xác định mục tiêu
Sau khi đã nắm được thực lực của bản thân và những trở ngại từ môi trường bên ngoài, bước tiếp theo là xác định mục tiêu. Đó phải là mục tiêu khả thi. Nếu không, chúng ta sẽ mất phương hướng, giống như con thuyền không có mái chèo giữa đại dương mênh mông – không biết sẽ bị sóng dạt trôi về đâu.
Có rất nhiều người không đủ tự tin vào năng lực của bản thân nên thường tìm mọi lý do để biện hộ. Chúng ta thường nghe thấy câu: “Ôi dào! Do số trời thôi!” “Ông trời bắt tôi phải thất bại.” Họ đã đổ vấy trách nhiệm cho “ông trời”. Trên thực tế, có nhiều lúc nguyên nhân thất bại của một người là do người đó không có những hành động thiết thực để thực hiện lý tưởng của mình. Chúng ta thường chỉ có ý tưởng, nhưng lại không biến ý tưởng đó thành mục tiêu. Hơn nữa, ý tưởng đó lại chưa được định hình, nên mục tiêu cũng vì thế mà không rõ ràng. Kết quả là khi hành động người ta mất phương hướng, thậm chí không biết mình còn cách mục tiêu bao xa.
Những mục tiêu như thế thường sẽ dẫn tới sự thất bại. Và khi thất bại, chúng ta thường oán trách ông trời không công bằng, oán trách bản thân không bằng người khác. Lòng tự trọng của chúng ta bị tổn thương. Thậm chí nghiêm trọng đến mức chúng ta không dám thử làm lại, chúng ta trở nên bị động, trở thành người để người khác sai khiến.
Muốn trở thành một người lãnh đạo thành công tự tin và kiêu hãnh, chúng ta phải xác định thật rõ mục tiêu của mình. Ví dụ như nếu muốn tranh thủ thời gian rỗi để đi học thêm bằng đại học, thì mỗi tuần chúng ta phải dành ra một lượng thời gian để ôn tập. Hay muốn sử dụng thành thạo máy tính, mỗi ngày chúng ta đến phòng làm việc sớm hơn 30 phút, tranh thủ học lúc đồng nghiệp chưa tới. Hay nếu muốn học ngoại ngữ, hãy đặt ra mục tiêu trong vòng một năm chúng ta phải biết giao tiếp cơ bản. Khi mục tiêu đã rõ ràng, thì việc phải làm như thế nào không còn là vấn đề và thành công là chuyện đương nhiên.
Bài tiếp theo: LÊN KẾ HOẠCH CHO PHẦN CÒN LẠI CỦA CUỘC ĐỜI