Bài trước: HOÀN THIỆN BẢN THÂN TRONG LÚC HÀNH ĐỘNG


DÁM LÀM THỬ, DÁM MẠO HIỂM

Người lãnh đạo ngoài việc ra một quyết sách đúng đắn cũng cần có một chút tinh thần “mạo hiểm”. Mạo hiểm có thể khơi gợi sức sáng tạo và ý chí đấu tranh, cổ vũ tinh thần của con người. Hơn nữa, đây là đặc điểm có tính lan truyền. Nếu tổng giám đốc dám mạo hiểm thì mới cổ vũ tinh thần, ý chí dám mạo hiểm cho các giám đốc dưới quyền và nhân viên.
Chúng ta có thể học được những kinh nghiệm dám mạo hiểm và thành công từ câu chuyện của Mary Kay(4). Ở công ty mỹ phẩm Mary Kay, có một câu cách ngôn được mọi người trong công ty truyền miệng: “Thất bại sẽ giúp bạn làm được việc lớn.” Mary cho rằng, để nhân viên của mình mạo hiểm và cho phép họ phạm sai lầm là điều rất quan trọng. Đây là con đường giúp người ta tiến bộ và khơi gợi tinh thần sáng tạo.

Lúc đầu, bà gặp thất bại tại hội chợ mỹ phẩm đầu tiên do mình tổ chức. Khi đó bà chỉ cố gắng giới thiệu mặt hàng mỹ phẩm của mình cho những vị khách ghé thăm gian hàng. Bà hy vọng mình sẽ thành công với hội chợ đó và thu được lợi nhuận cao. Nhưng tối hôm đó tổng kết lại bà chỉ bán được hai, ba sản phẩm. Sau khi rời hội chợ, bà lái xe rẽ sang một góc phố, gục đầu trên vô lăng và bật khóc. Bà tự hỏi: “Bọn họ sao thế nhỉ? Tại sao họ không mua những loại mỹ phẩm tuyệt vời này?” Bà cảm thấy sợ hãi. Bà hoài nghi về sự mạo hiểm của mình. Bà lo lắng bởi bà đã dốc hết tài sản tiết kiệm vào công ty. Bà tự hỏi: “Mary, mày sai ở đâu vậy?” Câu hỏi này đã làm bà bừng tỉnh. Bà chưa hề mời đặt hàng, bà đã quên mất
việc quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin và nhận đơn đặt hàng từ khách, bà chỉ giới thiệu hàng với những khách hàng tự tìm đến mua hàng. Chúng ta dễ dàng đoán ra rằng, bà sẽ không mắc phải sai lầm tương tự tại hội chợ lần thứ hai.

Mary đã thất bại, hơn nữa lần thất bại đó khiến bà lo lắng không yên. Nhưng sau khi phân tích nguyên nhân, kết quả, bà đã rút ra được bài học. Bà kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần cho nhân viên công ty nghe câu chuyện này, vì bà muốn họ biết bà đã thất bại trong lần đầu tiên tổ chức hội chợ, nhưng bà không hề bỏ cuộc. Thất bại lần đó đã giúp bà thành công trong sự nghiệp. Bà tin rằng cuộc sống là một chuỗi những sự mạo hiểm và thất bại. Con người chỉ thỉnh thỏang đạt được thành công. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải liên tục trải nghiệm và dám mạo hiểm.

Chúng ta rất thận trọng khi từ chối những đề nghị không hợp lý, bởi vì chúng ta biết rõ, những đề nghị đó đã được cân nhắc cẩn thận, và vì chúng ta biết từ chối là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Nếu phê bình những đề nghị của nhân viên trong công ty, chúng ta sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của họ, vì thế họ sẽ không bao giờ còn đưa ra ý kiến gì nữa.
Nhận thức được điểm này, người lãnh đạo phải tỏ lòng biết ơn những người đã đề xuất ý kiến.

Nếu muốn phát động phong trào đổi mới trong công ty, chúng ta phải chấp nhận một sự thật là: không phải ý tưởng nào cũng sẽ được đón nhận. Trên thực tế, một kế hoạch mới giàu tính sáng tạo thường khiến mọi người phấn chấn, nhưng rất có thể sau khi đưa vào thực hiện lại khiến chúng ta thất vọng. Đã từng có người đề xuất ý kiến “buôn bán kiểu mẫu hộp” với công ty Mary Kay, đó là một hệ thống giúp những nhân viên bán hàng ghi nợ và sắp xếp thời gian làm việc. Ý kiến đã được đón nhận, hệ thống đi vào hoạt động, nhưng trong quá trình thực hiện công ty phát hiện ra rằng chi phí quá lớn, nhân viên bán hàng cho rằng nó quá phức tạp, bởi vậy họ đã từ chối sử dụng hệ thống đó. Cho dù không được triển khai tiếp, nhưng người đề xuất ý kiến lại không hề bị đối xử lạnh nhạt. Bởi nếu làm như vậy, sẽ làm tổn thương đến tính tính cực của những người đưa ra suy nghĩ giàu tinh thần sáng tạo đổi mới cho công ty.

Tuổi tác cũng liên quan tới tinh thần mạo hiểm. Kinh nghiệm càng phong phú thì con người càng thận trọng, tài sản càng nhiều thì con người càng muốn có cuộc sống ổn định. Đó là đặc điểm cơ bản trong tính cách của con người. Nếu trong cuộc sống chúng ta càng có được nhiều thành quả, thì chúng ta càng muốn được hưởng những thành quả đó. Tuy vẫn
là con người đó, nhưng chúng ta đã trở nên không muốn mạo hiểm nữa, cũng không còn hiếu thắng nữa. Có thể chúng ta sẽ phát hiện ra rằng bản thân đã có khuynh hướng bảo thủ, thận trọng. Đó là điều rất nguy hiểm. Bởi vậy, nếu vẫn còn tinh thần mạo hiểm, thì chúng ta đừng giữ quy tắc cũ, đừng quá thận trọng. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành mà khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển như vũ bão, việc tránh mạo hiểm thường sẽ mang lại hậu quả khôn lường. Những lãnh đạo có kinh nghiệm càng cần phải khuyến khích nhân viên sáng tạo và mạo hiểm. Đa số lãnh đạo cấp cao đều ý thức được tầm quan trọng của trách nhiệm đó. Nhưng họ không ý thức được rằng, bản thân mình đã không còn muốn mạo hiểm nữa. Để tránh tình trạng đó, khi chúng ta càng lên cao, chúng ta lại càng phải ý thức hơn nữa việc tăng thêm tinh thần mạo hiểm.

Người lãnh đạo lúc nào cũng tránh mạo hiểm, sợ thất bại là người luôn lừa dối mình và lừa dối người khác, làm mất đi cơ hội tốt của mình và sự phát triển của đơn vị. Không những tước đoạt cơ hội làm việc của nhân viên, mà họ còn khiến cho doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường.


Bài tiếp theo: KHÔNG MẠO HIỂM THÌ KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG