Bài trước: LÊN KẾ HOẠCH CHO PHẦN CÒN LẠI CỦA CUỘC ĐỜI
Có mục tiêu đúng phải hành động ngay
✸ Nghĩ được mục tiêu tốt là rất thông minh, lên được kế hoạch tốt còn thông minh hơn, làm được tốt mới là thông minh tuyệt đỉnh.
✸ Những người không dám đương đầu với thử thách là những người không thể thành công. Đó là chân lý bất diệt.
✸ Khi mục tiêu đã được thiết lập, đường lui không còn, hành động là cách duy nhất. Vì vậy, người lãnh đạo phải hành động ngay lập tức và không ngừng nghỉ.
LÀM VIỆC KHÔNG NGỪNG NGHỈ
Khi mục tiêu đã được thiết lập, người lãnh đạo phải hành động ngay, thậm chí là làm việc không ngừng nghỉ.
Tokuda đã quyết định theo học ngành y trong một lần điều trị tại bệnh viện trực thuộc trường đại học Osaka. Anh là một người kiên định, một khi đã quyết định chuyện gì thì quyết tâm theo đuổi đến cùng. Anh đã học tập chăm chỉ và thi đỗ vào trường đại học Osaka. Sau khi tốt nghiệp, anh trở thành bác sĩ.
Trong thời gian làm việc ở bệnh viện, Tokuda rất bức xúc với những tệ nạn trong ngành y. Anh cho rằng, muốn cải thiện tình hình của ngành y ở Nhật thì phải xây dựng được một bệnh viện kiểu mới không bị ảnh hưởng bởi bè phái, như vậy vai trò của ngành y mới thực sự được phát huy.
Vì vậy, Tokuda quyết định thành lập bệnh viện của riêng mình. Nhưng lúc này, anh không có vốn, không có tài sản thế chấp cũng như người bảo đảm. Tokuda bắt đầu hoàn toàn từ con số không. Tuy vậy, anh không hề sợ hãi mà vẫn nỗ lực không ngừng. Tháng 1 năm 1971, anh bắt đầu có ý tưởng xây bệnh viện. Trong khoảng thời gian 3 tháng, Tokuda đã hoàn tất việc tìm hiểu, nghiên cứu về địa điểm xây dựng.
Qua khảo sát, Tokuda nắm rất rõ tình hình dân cư, phòng khám, tỉ lệ giường bệnh, tần suất hoạt động của xe cứu thương, vấn đề nhà ở cho gia đình bệnh nhân… Ngoài ra, anh còn lắng nghe ý kiến của người dân về tình hình khám chữa bệnh. Anh phát hiện ra rằng, thành phố Matsubara và thành phố Daito thuộc Osaka là nơi có mạng lưới khám chữa bệnh thưa
thớt nhất.
Tokuda đã chọn địa điểm đầu tiên tại thành phố Matsubara – nơi giao thông tương đối thuận tiện. Anh tranh thủ những lúc nghỉ ngơi sau ca trực đêm và sau khi đi làm về để tìm kiếm địa điểm xây bệnh viện.
Tới tháng 5, Tokuda đã tìm được một mảnh đất rất thích hợp đối diện nhà ga. Đó là một mảnh đất đang trồng bắp cải. Khu đất nằm dọc tuyến đường sắt, rất gần ga tàu. Đứng ở ga là có thể nhìn thấy mảnh đất đó. Đây là nơi lý tưởng để xây bệnh viện, người chủ mảnh đất cũng là người hiểu biết và sẵn lòng bán lại nó để xây bệnh viện.
Nhưng Tokuda không có một xu dính túi, làm thế nào để gom tiền bây giờ?
Trong kế hoạch xây bệnh viện của anh, tổng chi phí cho đất đai, xây dựng, thiết bị, máy móc lên tới 1,6 tỉ yên. Nhưng anh không có tiền mặt, không có tài sản, cũng không có người bảo đảm.
Anh đến ngân hàng vay tiền nhưng họ từ chối. Lúc này anh mới hiểu ra, ngân hàng chỉ cho những người có tiền vay chứ không cho người không thế chấp vay. Làm thế nào bây giờ? Nếu không vay được tiền, cho dù người chủ mảnh đất có thông cảm với anh, mọi chuyện cũng sẽ tan thành mây khói.
“Tôi phải xây bệnh viện! Tôi phải xây bệnh viện!” Vừa nghĩ, Tokuda vừa chạy khắp nơi vay tiền. Nhưng chẳng ngân hàng nào cho anh vay cả. Anh quá mệt mỏi, nhưng chợt nghĩ rằng một ngân hàng nào đó có thể sẽ cho anh vay. Với một tia hy vọng, Tokuda dành cả một đêm để lên kế hoạch thu chi với số tiền 1,6 tỉ yên. Cũng có thể là tấm lòng của anh đã
khiến ông trời cảm động. Vào một ngày tháng 8, khi đọc báo anh tình cờ để ý thấy một mẩu tin được in với nét chữ khá đậm. Nội dung mẩu tin liên quan đến vấn đề “Nixon tăng cường quân sự”.
Việc “Nixon tăng cường quân sự” sẽ khiến ngành tài chính bị ảnh hưởng rất lớn, nhu cầu về tiền mặt của người dân sẽ giảm xuống. Các doanh nghiệp lớn sẽ không tiếp tục vay vốn do đã quá dư thừa về thiết bị, các ngân hàng thì lại cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay lại không an toàn. Vậy là, đối tượng vay vốn sẽ ngày càng ít đi.
“Đây là cơ hội tuyệt vời!” Thế là, Tokuda lại tiếp tục đến các ngân hàng, kể cả những chi nhánh mới mở. Anh nghĩ biết đâu họ sẽ hứng thú với kế hoạch của anh.
Cuối cùng Tokuda cũng tìm được một tia hy vọng tại một chi nhánh ngân hàng mới mở. Anh trao kế hoạch thu chi cho họ. Anh ghi tỉ mỉ số giường bệnh mà khu dân cư cần phải có, trong đó có số giường hiện có, số giường thiếu, số người ở nơi khác nhập viện, giá cả chi phí cho bảo hiểm, thiết bị, bồi thường… Thậm chí, anh còn viết rõ về thực trạng cuộc sống của
người dân địa phương.
“Ngay cả ngân hàng cũng không thể điều tra tỉ mỉ đến vậy.” Phía ngân hàng tỏ ra ngạc nhiên. Các số liệu mà ngân hàng cần đều có đầy đủ trong bản kế hoạch của Tokuda.
Ngân hàng rất hài lòng nên đã nhanh chóng cho anh vay tiền. Vậy là hy vọng, ý chí không lùi bước và kế hoạch đầy tâm huyết của Tokuda đã phát huy tác dụng. Cuối năm đó, Tokuda đã vay được 18 triệu yên dùng cho việc mua đất.
Nếu lúc đầu Tokuda nghĩ “Mình không có tiền, không có tài sản, ngân hàng sẽ không cho mình vay” hay “Trong tay phải có ít nhất 1/3 số tiền cần thiết mới có thể đến tìm ngân hàng, thôi mình cứ tính toán kế hoạch đến đây thôi” thì e rằng không có bệnh viện nào được xây lên. Do Tokuda hành động ngay nên anh đã đạt được mục tiêu chỉ trong vòng một năm. Sau khi có kế hoạch, anh bắt tay vào hành động, vừa hoạt động thực tiễn vừa tích lũy kiến thức có liên quan. Những kiến thức đó anh đã tích lũy được trong quá trình làm việc của mình, vì thế đã phát huy tác dụng trong quá trình xây bệnh viện.
Người ta thường nói, thất bại là mẹ thành công. Vì thất bại là những gì bản thân chúng ta được trải nghiệm. Sau khi bắt tay vào làm, nếu phát hiện ra có điều gì đó bất ổn, người ta sẽ nghĩ tới một cách làm khác.
Rõ ràng là, Tokuda là một người rất có năng lực trong hành động, chính năng lực đó đã giúp anh thành công trong sự nghiệp.
Khả năng hành động ngay cũng như khả năng giỏi sắp xếp kế hoạch hành động là điều rất quan trọng trong thành công của bất kỳ cá nhân nào. Nếu thiếu đi khả năng đó, cho dù mục tiêu của bạn có tốt đến đâu, bạn cũng rất khó có thể thực hiện được.
Bài tiếp theo: PHẢI CÓ TÍNH CHỦ ĐỘNG